Chủ đề mới

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Chuyện cái tivi


TV một thời để nhớ
-Thằng con của anh bị cận thị, chắc chắn do nó xem tivi nhiều quá.
Anh khẳng định điều này với tôi, lần này chắc phải là lần thứ… hai mươi mốt. Mỗi khi ngồi uống trà với anh, tán đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng cuối cùng anh đều hướng chủ đề về chuyện thằng con của anh, năm nay học mới hết lớp ba, chuẩn bị vào lớp bốn, bị cận thị nặng. Nó chớm bị cận thị từ khi bắt đầu vào học lớp hai. Hằng ngày, anh chị đi làm, khóa cửa lại để nó ở trong nhà, cho nên học bài xong không có trò gì chơi, thui thủi một mình nó lại dán mắt vào xem tivi.

Cận lòi mắt
Kể ra, thấy anh nói cũng đúng. Đấy, cứ nhìn những đứa trẻ mới học hết lớp một mà xem, có đứa đã phải đeo chiếc kính cận dầy cộp trên mắt, thế chẳng phải do xem tivi nhiều quá thì là gì? Nhưng tôi đọc báo khoa học, thấy trong báo nói cận thị cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó xem tivi chỉ là một phần, ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: Môi trường sống thiếu ánh sáng này, bản thân không chịu rèn luyện thể lực ngoài trời hoặc ăn uống thiếu vitaminA gây ra khô giác mạc, cũng là những nguyên nhân dẫn đến cận thị.
Hiện tại TV chỉ giải quyết nhu cầu xem phim
Nhà anh và nhà tôi ở gần nhau, cùng một khu, tôi vốn là họa sĩ hằng ngày ngồi nhà vẽ dông dài. Buổi sáng, vợ anh và vợ tôi cả hai cùng đi làm hết, còn anh làm nhân viên văn phòng trong một cơ quan nhà nước. Chẳng thấy anh mấy khi ngồi quán cà phê, nói chuyện cà kê dê ngỗng như “mốt” hiện nay của đa phần những nhân viên văn phòng khác, rảnh rỗi anh hay sang tôi ngồi tán chuyện gẫu. Anh có hai đứa con, đứa đầu chuẩn bị vào lớp bốn bị cận thị như đã nói ở trên, còn đứa sau là gái, mới được ba tuổi, sắp đi mẫu giáo.
Rút kinh nghiệm từ đứa con đầu, đứa sau anh rất hạn chế không cho nó xem tivi (nhà anh có cái tivi Sony 14 inh). Mỗi khi đi làm là anh lại rút ăng ten ra, vì sợ nó xem nhiều, bị cận như thằng đầu thì hỏng. Nhìn thằng con anh, mỗi năm chiếc kính cận của nó một dầy thêm mà không khỏi ái ngại. Càng ngày, sự học hành bài vở ngày một nhiều hơn, sáng học, chiều học rồi tối lại học, hầu như suốt ngày chỉ có học. Nhưng đâu chỉ có riêng con anh, con tôi và những đứa trẻ khác, tuổi của chúng nó đứa nào chả phải vậy, chả phải học tối tăm mặt mũi, để theo cho kịp chương trình.
Nhiều lúc nghĩ lại, thời tôi và anh bằng tuổi nó, khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy, vi tính chưa ra đời còn tivi thì hầu như cả làng, cả xã, không nhà nào có lấy một chiếc. Chỗ tôi ở gần với một Liên khu Địa chất, họ có chiếc tivi 14ing đen trắng, vào tối thứ bảy thường đem ra trước sân cơ quan, chiếu cho con em công nhân xem giải trí. Cha mẹ cho chúng tôi nghỉ học tối thứ bảy, chúng tôi rồng rắn đi từ nhà cách xa ba, bốn cây số, đến xem ké. Thời ấy, phim ảnh toàn ca ngợi những người lính anh hùng của Liên Xô, những chiến sĩ tình báo quả cảm hoạt động trong lòng phát xít Đức. Tôi thích nhất bộ phim dài tập có tên “Hồ sơ thần chết”. Vào đầu phim, có cảnh các chiến sĩ tình báo Xô Viết ngồi trên máy bay, bất ngờ máy bay bị trúng đạn, họ lần lượt nhảy dù xuống…
Ngày ấy, cả tuần hoặc mấy tháng mới được xem phim, xem tivi, có lẽ vậy mà chúng tôi ít bị cận thị chăng? Nhưng chúng tôi lại mơ ước làm những anh hùng như trong phim. Đi chăn trâu, chăn bò, chúng tôi thường chia quân làm hai phe “ta” và “địch” quần nhau suốt buổi. Anh tôi, hơn tôi hai tuổi, một hôm anh trèo lên trạc ba của cây mít mật, bắt trước những nhân vật trong phim “hồ sơ thần chết”, anh nhảy xuống như người ta nhảy dù, chẳng may rơi trúng cục đá, bị trẹo mắt cá chân, phải nghỉ học mất mấy tuần.
TV bây giờ quá VIP
Bây giờ, tivi bầy bán trong các siêu thị, cửa hàng điện máy nhiều nhan nhản, mà lại rẻ nữa, hầu như nhà nào cũng có một chiếc. Nhà nhiều tiền, nhiều phòng, thì mua nhiều chiếc, họ đặt một cái tivi 32ing màn hình phẳng to đùng ngoài phòng khách, một chiếc trong phòng bếp để vừa nhẩn nha ăn cơm vừa xem phim tình yêu tay ba, tay tư lãng mạn, ướt át của điện ảnh Hàn Quốc, hay những phim “đại ca, tiểu muội” của Trung Quốc với những pha đánh trưởng tung khói trắng, những cảnh công phu người bay lượn như chim. Còn trong phòng ngủ lại một chiếc khác, để tối đến khi con cái học bài, vợ chồng thảnh thơi cùng nhau nằm xem những chương trình trò chơi buổi tối. Đại loại, trong nhà có mấy thế hệ như ông bà, cha mẹ, con cái đều được toại nguyện, ai muốn xem gì thì xem, tùy sở thích.
Anh bạn tôi cũng có sở thích giống tôi, là thích xem chương trình thời sự buổi tối và những trận cầu của bóng đá châu Âu Champions League vào lúc nửa đêm. Nhiều lúc, thấy con cái ngày một lớn mà sự học hành ngày một nhiều hơn, anh có ý định muốn bán chiếc tivi đi, nhưng giải ngoại hạng Anh đang vào hồi gay cấn, liệu Chelsea có giành chức vô địch năm nay? Lại còn Champions League nữa chứ, vòng bán kết đội bóng Tây Ban Nha mà anh yêu thích là Rean Madrid gặp Barcelona, không biết lão huấn luyện viên đầy mưu lược Mourinho có chiêu gì mới không?… Giờ này mà đem bán chiếc tivi đi thì phí quá.
Mấy năm nay, truyền hình cáp phát triển, thay thế cho chiếc ăng ten VHF hay UHF cao chót vót trên nóc nhà hàng bao nhiêu năm qua. Chúng tôi, ai cũng hăm hở bỏ tiền ra mắc cáp, để xem được nhiều kênh hơn, còn riêng anh vẫn trung thành với cái ăng ten VHF cũ kỹ. Theo anh, truyền hình cáp lắm chương trình quá, mà lại nhiều chương trình hoạt hình dành cho trẻ em như: “SaoTV” “Bi Bi” “CN”… Toàn những chương trình hay thì hay thật, nhưng quến rũ trẻ em, làm chúng suốt ngày đắm đuối ngồi xem mờ cả mắt, có hại lắm. Cho nên cả khu, nhà nào cũng bắc cáp, còn riêng một mình nhà anh vẫn dùng cái ăng ten cũ. Nhìn lên nóc nhà, thấy nó đứng một mình bơ vơ trơ trọi, nhưng có vẻ kiêu hãnh lắm.
Tháng chín năm ngoái, trời đổ cơn gió mạnh, có lẽ cây tre mắc ăng ten của nhà anh đã mục, nó gãy gập xuống, làm nát hết những đoạn ống nhôm của chiếc ăng ten cũ. Loay hoay cả buổi, không còn khắc phục được nữa, mọi người trong khu đoán chắc rằng, lần này anh sẽ phải mắc cáp như những nhà khác. Nhưng không, hôm sau thấy anh mang ở đâu về một chiếc vành xe đạp bằng nhôm, anh đem nối với dây ăng ten cũ của chiếc tivi rồi treo lên một cây tre khác. Dựng chiếc “ăng ten” lên cao, xoay đi xoay lại mấy vòng thì bắt được sóng, lại xem được như thường.
Nhìn chiếc vành xe đạp được mắc vào cây tre mới nằm trên nóc nhà, một hôm có thằng bé cùng xóm đi ngang, nói với anh:
-      Cả xóm, chỉ mình nhà chú có ăng ten cao như cây cột thu lôi, nhỡ mưa giông xét nó đánh trúng thì làm sao?
Nghĩ nó nói kháy, đang ngồi lặt rau muống bên cửa, anh gắt:
-      Kệ tao, mày trẻ con biết quái gì.
Nói vậy, nhưng chắc anh cũng có ý sợ, cho nên khi thấy trời biểu hiện có giông là anh thắc thỏm ra tháo hạ chiếc “ăng ten” xuống.
Lại nói, đứa con gái của anh còn nhỏ nhưng nó hiếu động lắm, thoắt cái là nó chạy sang hàng xóm chơi với những đứa trẻ khác. Có nhiều lúc thấy anh than: “Trẻ con khu này ở đâu ra mà nhiều thế, mà đứa nào cũng thích xem tivi”. Thực ra, khu nhà chật trội, chẳng có sân chơi, chẳng có đủ chỗ cho chúng nó chạy nhảy. Suốt ngày, chỉ thấy chúng nó tụ tập ở nhà đứa này chán, lại kéo nhau sang nhà đứa khác, chỉ để xem tivi.
Vì nhà anh không mắc cáp, nên chương trình lèo tèo, chẳng bắt được những kênh thiếu nhi, nên con bé nhà anh cứ lẽo đẽo đi theo lũ trẻ hàng xóm. Chỗ nào bọn trẻ tụ tập xem tivi là có nó, mà nó xem có vẻ say mê lắm. Nó thích nhất chương trình “con cò bé bé “ của ca sĩ nhí Xuân Mai, trong tivi Xuân Mai hát, ở ngoài đứng xáp mặt vào màn hình, nó cũng lẩm bẩm vừa nhảy vừa hát theo. Thấy thế, anh vội vã lôi tuột nó về nhà.
Mâu thuẫn giữa anh và cái tivi có lẽ nảy ra khi con gái anh đi mẫu giáo, vào học lớp mầm. Một hôm, tôi sang nhà anh, thấy trên nóc nhà không còn treo cái vành xe đạp làm ăng ten nữa. Khi vào nhà, cái tivi trước đây được đặt trên nóc tủ, bây giờ thấy anh đã đem cất nó xuống dưới, anh cho mặt chiếc tivi quay vào trong, đít nó trò trõ quay ra ngoài.
Tôi hỏi:
-      Tivi bị hỏng à?
Anh trả lời:
-      Đâu có. Rồi anh nói thêm: - Thôi, chúng nó lớn rồi, học hành nhiều mà còn xem tivi chỉ tổ hại mắt, nhất là con bé, nó mà bị cận như thằng anh thì chán lắm!
Tôi bảo:
-      Nếu không xem thì bán quách cho người khác dùng.
Anh nói:
-      Bây giờ tivi mới màn hình phẳng đầy rẫy, bán rẻ như cho, ai mà xem cái của nợ này nữa!
Rồi anh kể, cái ti vi này anh mua từ năm 1995 của thế kỷ hai mươi, lúc ấy anh mua nó tính ra sáu chỉ vàng. Tôi nhẩm tính, sáu chỉ vàng tính ra giá tiền bây giờ, mỗi chỉ vàng bốn triệu bảy trăm ngàn, vị chi là hơn hai mươi tám triệu. Ái chà chà, một cái tivi 14inh so với thời này sao mà đắt khủng khiếp thế. Bây giờ, ra cửa hàng chỉ cần hai triệu đồng là có thể khuân về cái tivi 21inh, xem nét quá xá.
Sáng thứ bảy, vợ anh đi họp phụ huynh đầu năm cho con bé, về đến cửa đã thấy chị bô bô thông báo:
-      Tiền đóng quỹ lớp đầu năm là ba trăm ngàn, tiền ăn một tháng một triệu sáu trăm ngàn, ngoài ra lớp còn bắt đóng thêm hai trăm để mua tivi.
Đang mải đứng rang đậu phộng trong bếp, anh hỏi ra:
-      Mua tivi để làm gì?
Quăng chiếc nón lên ghế, chị trỏng lỏn:
-      Thế theo anh cái tivi để làm gì?
Giọng anh bắt đầu thấy có hơi hướng của sự bực:
-      Cho đi học không học, đến đấy để ngồi xem tivi à!
Chị im lặng. Còn anh, tay đảo loạn xạ trong chảo đậu phộng, mắt nhìn cái ti vi ngoài tủ vẫn chổng đít ra ngoài vẻ như diễu cợt, rồi anh nghĩ đến cái kính cận, đến đôi mắt trong trẻo của đứa con gái út... Bất chợt, anh như muốn nổi khùng.
MINH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét